Cô Võ Thị Hồng – Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT Tháp Mười – đã chia sẻ những lưu ý vô cùng quan trọng, bổ ích, gúp thí sinh ăn chắc điểm Toán trong kỳ thi THPT quốc gia tới.
Học sinh Trường THPT Tháp Mười trong giờ ôn tập Toán trước kỳ thi THPT quốc gia
Bài khảo sát và vẽ đồ thị hàm số
Cô Hồng cho biết, trong đề Toán, câu khảo sát và vẽ đồ thị hàm số cùng câu hỏi phụ thường nội dung kiến thức đơn giản, chủ yếu ở mức độ hiểu và nhận biết. Nếu làm tốt kiến thức này, học sinh đã ăn chắc 2 điểm, tránh được điểm liệt.
Với bài khảo sát, học sinh lưu ý làm đúng theo mẫu bài học giáo viên hướng dẫn, đó là: Tập xác định; giới hạn; các đường tiệm cận (nếu có); nhận xét tính đồng biến, nghịch biến của hàm số; cực trị (nếu có).
Học sinh cũng cần chú ý bảng biến thiên. Với nội dung này, các em hay thiếu, như: Khi x dần tới +/- vô cực sẽ quên y dần tới bao nhiêu, như vậy đồng nghĩa với bị mất điểm.
"Các câu có tính chất phân loại cao đối với môn Toán thường là: Bất đẳng thức, phương trình - bất phương trình, hệ phương trình, hình học tọa độ Oxy" -Cô Võ Thị Hồng
Cô Hồng cho biết, dù đây là câu hỏi dễ nhưng nhiều khi học sinh khá giỏi lại mất điển phần này vì chủ quan, dẫn tới làm sai.
Với kiến thức về câu phụ, những nội dung có thể được ra trong đề là: Phần tiếp tuyến, cực trị, đồng biến – nghịch biến, biện luận số nghiệm bằng đồ thị. Đây cũng là nội dung kiến thức đơn giản, giúp học sinh dễ dàng ăn điểm.
Bài toán về số phức
Câu này học sinh đã được ôn tập rất kỹ, học sinh chủ yếu lưu ý phần tính toán. Thường, với câu này, học sinh sẽ khá dễ dàng giành thêm 0,5 điểm.
Phương trình mũ, logarit, bất phương trình
Học sinh hay mắc sai lầm với câu này vì thiếu phần điều kiện để logarit có nghĩa.
Bên cạnh đó, học sinh hay nhầm ngược công thức. Ví dụ, công thức đúng là: Tổng của 2 logarit cùng cơ số bằng logarit của tích; hiệu của 2 logarit cùng cơ số bằng logarit của thương thì học sinh thường nhầm thành: logarit của 1 tổng bằng tich của 2 logarit; logarit của 1 hiệu bằng thương của 2 logarit.
Tích phân và các ứng dụng
Trong câu về tích phân có các dạng bài cơ bản như: Dùng công thức nguyên hàm để tình trực tiếp (học sinh phải xem lại công thức nguyên hàm cho kỹ vì đã có trường hợp học sinh nhớ nhầm sang đạo hàm và bị mất điểm);
Đồng thời, chú ý phương pháp đổi biến, phương pháp tích phân từng phần, bài toán tính diện tích hình phẳng, tính thể tích hình khối tròn xoay (lưu ý có yếu tố lượng giác ở trong).
Câu này được 1 điểm, chủ yếu là hiểu và vận dụng nhẹ nên cũng dễ dàng ăn điểm.
Câu hình học: Tính thể tích của khối, chóp, khối lăng trụ…
Câu này sẽ hơi khó với học trò yếu. Cần chú ý học lại cách vẽ hình trước; xem lại các công thức tính diện tích; các xác định góc giữa đường thẳng và mặt phẳng, giữa mặt phẳng và mặt phẳng.
Đặc biệt, học sinh cần ghi nhớ công thức tính thể tích của khối chóp bằng 1/3 diện tích đáy nhân đường cao; thể tích khối lăng trụ bằng diện tích đáy nhân đường cao. Trên thực tế, đã có học sinh do quen làm hình chóp nên khi tính thể tích lăng trụ cũng chia cho 3 nên bị mất điểm.
Câu này thường được tính 0,5 điểm.
Câu hình học tọa độ Oxyz
Bài toán này có độ khó vừa phải. Học sinh cần chú ý những nội dung sau: Lý thuyết về tính chất véc tơ; phương trình đường thẳng; phương trình mặt cầu; phương trình mặt phẳng và cá bài toán liên quan.
Để “ăn” trọn 1 điểm của câu này, học sinh hơi yếu hình học sẽ phải ôn tập nhiều.
Câu lượng giác
Với 0,5 điểm, câu này không khó, nhưng do có nhiều công thức nên học sinh trung bình, yếu không nên mất quá nhiều thời gian, Hãy tập trung cho các câu ở trên trước.
Câu xác suất, tổ hợp
Câu này cũng được 0,5 điểm, chủ yếu trong chương trình lớp 11 và cũng rất đa dạng. Nếu học sinh cảm thấy quá khó, cũng giống như phần lượng giác ở trên, không nên tập trung để mất quá nhiều thời gian vào câu này.
Theo Dantri.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét